**Codrus, (**tiếng Hy Lạp: Κόδρος) là vị vua cuối cùng trong thời đại các vị vua bán thần thoại của Athens, trị vì từ 1089–1068 BC. Gọi là bán thần thoại (Semi-Mythical) vì theo Plato ông là con trai của Melanthus và có dòng dõi từ thần biển Poseidon.
Cái tên Codrus còn được biết đến như là biểu tượng của lòng yêu nước và sự hy sinh cho tổ quốc. Giai thoại này đến từ cái chết đầy anh dũng của ông.
Codrus, vị vua cuối cùng của Athens
Phiên bản sớm nhất của câu chuyện kể về Codrus còn được lưu lại đến từ bài diễn văn thứ tư Chống lại Leocrates của Lycurgus người Athens. Vào thế kỷ thứ 11 TCN, người Dorian từ phương bắc Hy Lạp đem đội quân hùng mạnh của mình thôn tính các thành bang Hy Lạp khác và giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Sau khi chiếm được Peloponnesos, quân Dorian bắt đầu lên kế hoạch xâm chiếm vùng Attica (Một bán đảo nhô ra biển Aegea cùng các cụm đảo lân cận, bao gồm cả thành bang Athens).
Trước khi tiến hành cuộc chiến, người Dorian đã tham vấn lời tiên tri từ đền Delphi - nơi nổi tiếng với các lời tiên tri được cho là từ thần Apollo và là nguồn quan trọng cho quân đội và các nhà cầm quyền Hy Lạp thời bấy giờ để tìm kiếm chỉ dẫn thiêng liêng cho các chiến dịch quân sự. Khi hỏi về kết cục của cuộc xâm lược Athens, họ nhận được một lời tiên tri rằng: “Dorian sẽ chỉ giành chiến thắng nếu vua của Athens không bị tổn hại”
Biết được lời tiên tri này, Codrus - vua của Athens đã ra một quyết định lịch sử: Ông sẽ chết để đánh tan nhuệ khí quân Dorian, từ đó bảo vệ thành bang Athens.
Một ngày khi trông thấy quân đoàn của Dorian đang dựng trại phía ngoài thành chuẩn bị cho cuộc tiến công, vua Codrus đã cải trang thành một người nông dân. Ông đi đến gần doanh trại, trà trộn vào trong rồi khiêu khích một cuộc tranh cãi với quân địch. Đám lính Dorian sau một hồi kèn cựa thì giết luôn Codrus để rồi hoảng sợ khi nhận ra ông là vua của Athens.
Cái chết của Codrus, Vua của Athens. Minh họa từ cuốn "Illustrierte Weltgeschichte fur das Volk” (Ernst Wiest, Leipzig, 1893)
Giờ đây theo lời tiên tri, vua của Athens đã chết khiến tướng lĩnh Dorian sợ hãi, nếu cứ tiến đánh thì sẽ cầm chắc thất bại trước Athens. Vậy là toàn bộ quân đoàn Dorian vội vã rút lui khỏi Attica nhằm bảo vệ tính mạng. Nhờ hành động vô cùng dũng cảm của mình, vua Codrus đã cứu được Athens.
Sau cái chết của Codrus, người Athens đã quyết định rằng ông mãi mãi là vua của Athens vì không có ai đủ xứng tầm để tiếp nối ngôi vua của ông. Từ đó danh hiệu “Vua của Athens” (βασιλεύς - Basileus) không được sử dụng lại và thay vào đó là danh hiệu “ἄρχων” - Archon - “Quan chấp chính” và được coi là người trị vì của Athens.
Người con của vua Codrus - Medon là người đầu tiên giữ danh hiệu Archon, có quyền trị vì nhưng không được coi là vua như cha của mình. Đây là bước chuyển đổi quan trọng trong hệ thống chính trị của Athens, từ chế độ quân chủ sang Archon. Ban đầu chức vị của Archon được cha truyền con nối và được mang suốt đời tương tự như một vị vua, nhưng không có quyền lực tuyệt đối. Theo thời gian, hệ thống này đã được điều chỉnh để giảm quyền lực cá nhân. Các Archon dần dần được bầu và bổ nhiệm với nhiệm kỳ ngắn hơn, đầu tiên là 10 năm, sau đó chỉ một năm.
Hình thức này đã mở đường cho sự ra đời của một hệ thống chính trị phức tạp hơn, với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Athens san sẻ bớt quyền lực của Archon. Đỉnh điểm của sự phát triển này là nhà nước dân chủ của Athens vào thế kỷ 5 TCN, nổi bật với Hội đồng 500 (Boule) và Hội nghị Dân sự (Ekklesia). Đây là một hình thức chính quyền cộng hòa dân chủ đầu tiên của loài người, nơi người dân có quyền tham gia vào các quyết định quan trọng thay vì chỉ bị cai trị bởi một vị vua hoặc một nhóm lợi ích nhỏ.
Ngày nay, hầu hết chúng ta được sống trong các thể chế cộng hòa dân chủ, được đảm bảo quyền làm chủ, quyền con người. Ít ai biết rằng, nguồn gốc của nền cộng hòa dân chủ đó được xuất phát từ sự hy sinh, lòng yêu nước - tất cả xuất phát từ một vị vua vĩ đại từ thế kỷ thứ 10 TCN.